Vai trò và đóng góp của các tổ chức xã hội trong sự phát triển kinh tế - xã hội
Trong sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, vai trò của các tổ chức xã hội ngày càng thể hiện rõ rệt. Đánh giá về vai trò của các tổ chức hội, Đại hội X của Đảng đã ghi nhận: “Các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo và các tổ chức xã hội khác có nhiều hình thức hoạt động đa dạng, phong phú đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội”.
- Nhận thức chung
Thực tiễn vai trò và đóng góp của các tổ chức xã hội trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Các tổ chức xã hội (TCXH) được xem là lực lượng tích cực, góp phần quan trọng trong việc khỏa lấp những khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường thông qua các hoạt động xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa, phòng chống các tệ nạn xã hội, triển khai nhiều mô hình tốt, có hiệu quả trong lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Đầu tiên chúng ta phải hiểu TCXH là gì. Từ trước chúng ta vẫn quan niệm trong xã hội có ba khu vực: khu vực Nhà nước (công), khu vực kinh tế được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp, ba là các TCXH được dẫn dắt bởi các tổ chức gọi chung là TCXH.
TCXH hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau theo các quy định của pháp lệnh chuyên ngành. Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học công nghệ thì có các tổ chức thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo có các tổ chức thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, hay trong lĩnh vực y tế có các tổ chức liên quan đến y tế…
TCXH có một vai trò rất quan trọng vì nó tập hợp đông đảo lực lượng xã hội tham gia góp phần xây dựng kinh tế - xã hội thông qua những hoạt động như: là người đại diện cho các đối tượng cần sự trợ giúp; có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật; cung cấp thông tin; tiến hành các hoạt động công tác xã hội hướng vào việc thực hiện an sinh xã hội, phúc lợi xã hội...
Chúng ta cũng không có những thống kê cụ thể về hiệu quả của các TCXH đối với các lĩnh vực như kinh tế, sức khỏe, an sinh xã hội... Một thống kê của Anh năm 2018, các TCXH nước này chỉ tiếp cận được khoảng 0,2% ngân sách của Nhà nước nhưng đã tạo ra một khối lượng sản phẩm đạt 2% GDP của nước Anh. Như vậy hiệu quả hoạt động của các TCXH là rất lớn.
Các TCXH hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực, nhiều quy mô. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chúng ta có thể nêu ra những mô hình hoạt động hiệu quả, tích cực. Ví dụ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam với dự án Vinh danh cây di sản. Dự án đã tác động mạnh mẽ đến các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo vệ cây xanh, tạo ra một phong trào, hiệu ứng tốt trong việc giữ gìn cây xanh, giữ gìn lá phổi của thiên nhiên.
Các TCXH có vai trò rất quan trọng, góp phần phát triển KT – XH của đất nước và đặc biệt là tham gia khỏa lấp các khiếm khuyết của kinh tế thị trường. Vào đầu những năm 90, các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ người dân, xây dựng và quản lý kinh tế, xây dựng môi trường, sử dụng đồng tiền thế nào cho hiệu quả. Thậm chí, các tổ chức phi chính phủ về giúp họ nuôi bò, nuôi lợn...
Trong phong trào thi đua giai đoạn 2016-2020 “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” được Thủ tướng Chính phủ phát động không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ đóng góp cho xã hội. Nhiều TCXH đã tham gia mạnh mẽ vào chủ trương xã hội hóa các vấn đề về y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, từ thiện, nhân đạo... Họ đã triển khai nhiều mô hình mới, từ triển khai sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, tham gia vào thị trường lao động, giải quyết vấn đề lao động.
Nhờ có các hội đứng ra tổ chức sản xuất như thế nào, triển khai rất nhiều sáng kiến, trong đó có nhiều sáng kiến đã trở thành phong trào xã hội, như xây dựng xã hội học tập của Hội Khuyến học hay doanh nghiệp xã hội... Những sáng kiến đó đã trở thành phong trào của Nhà nước.
Các TCXH không những bảo vệ quyền lợi của hội viên mà còn vận động góp phần làm cho chính sách đi vào đời sống, mang lại điều kiện thuận lợi cho hội viên tham gia mạnh mẽ hơn nữa, tham gia vào phát triển các TCXH.
Có thể khẳng định, TCXH có đóng góp rất lớn trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ những TCXH có tư cách pháp nhân thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến các tổ chức đa dạng khác trong xã hội. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một nghiên cứu đánh giá nào về tác động, hiệu quả hoạt động của các TCXH. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nên có nghiên cứu tổng quát càng sớm càng tốt. Đặc biệt là trong quá trình Quốc hội đang xem xét và cho ý kiến dự án Luật về Hội. Chúng ta cần có những nghiên cứu, chỉ rõ những vấn đề các TCXH đang gặp vướng mắc để đưa ra những đề xuất về mặt chính sách đến các cơ quan có thẩm quyền khi quyết định thông qua các chính sách trong Luật.
Trong quá trình hoạt động, có nhiều vấn đề mà các TCXH mong muốn được quan tâm như: tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật góp phần khẳng định vị trí, vai trò của các TCXH; được nâng cao năng lực tổ chức; nguồn lực hoạt động... Đặc biệt trong đó, các TCXH mong muốn được tạo điều kiện nhiều hơn nữa để tham gia vào các quá trình xây dựng chính sách, đánh giá việc thực hiện luật pháp, chính sách và phản biện xã hội
Mặc dù, quá trình tham gia vào sự phát triển xã hội, vận động chính sách, các TCXH đã có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chưa tạo được một cơ chế pháp lý hữu hiệu cho các TCXH thực hiện quyền tư vấn và đóng góp xây dựng chính sách, giám sát, tham gia xây dựng kinh tế - xã hội.
- Vai trò của các TCXH
Sự tồn tại, phát triển và đóng góp của các TCXH là yếu tố khách quan, dù muốn hay không nó cũng phát triển và giúp cho xã hội tốt hơn. Vai trò của TCXH được thể hiện ở 6 góc độ:
Thứ nhất, các tổ chức này tham gia tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Đầu tiên từ chính những người trong nhóm, trong tổ chức đó lan tỏa dần đến mọi người.
Thứ hai, các tổ chức này tích cực triển khai các dự án, các nhiệm vụ, xây dựng các mô hình và làm cho dự án, mô hình đó lan tỏa tới nhiều người bằng nhiều cách khác nhau.
Thứ ba, góp ý vào tư vấn, phản biện chính sách để chính sách đó phù hợp hơn, đi vào cuộc sống hơn. Những tiếng nói phản biện của các tổ chức này thường khách quan, thực tế hơn.
Thứ tư, tổ chức rất nhiều diễn đàn, hội thảo, nâng cao nhận thức, “cầm tay chỉ việc” làm cho trình độ của nhóm cộng đồng, người dân ở từng khu vực tốt hơn.
Thứ năm, tham gia vào mặt trận ngoại giao nhân dân.
Thứ sáu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân.
Vai trò của các TCXH chúng ta đã thấy, nhưng để các tổ chức này đóng góp tốt hơn nữa cần phải nâng cao nhận thức của mọi người, quan trọng là nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm trong bộ máy Nhà nước. Các cơ quan này sẽ có trách nhiệm ban hành các chính sách, chủ trương pháp luật để tăng cường vai trò của các TCXH.
Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, trong đó nhấn mạnh, “dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý của Nhà nước, hầu hết các hội được thành lập và hoạt động đúng pháp luật, theo hướng ích nước, lợi nhà, tương thân tương ái, góp phần tích cực vào sự nghiệp ổn định và phát triển của đất nước”.
Trong tình hình đổi mới, hội nhập hiện nay, chúng ta cần có sự nhận thức lại về vai trò, vị trí của các TCXH. Khi tiếp cận các TCXH, họ mong muốn có được một Nghị quyết giống như Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân để tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển đúng hướng. Chúng tôi mong muốn phải thay đổi nhận thức, từ đó tạo môi trường chung từ kinh tế, chính trị, văn hóa chứ không phải chỉ môi trường pháp lý.
Bên cạnh đó, phải có truyền thông nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của các tổ chức này. Khẳng định nó có vị trí, là một trong 3 trụ cột phát triển. Cần có nghiên cứu, thống kê về vai trò của các tổ chức này để thấy họ đóng góp được bao nhiêu % GDP cho đất nước, mỗi năm giải quyết được bao nhiêu việc làm…
TCXH đang hoạt động thường gặp những khó khăn:
Thứ nhất, khó khăn về nhận thức đối với các TCXH. Người Việt Nam có câu “danh chính ngôn thuận”. Vì chưa được “chính danh” nên dù có những điển hình tốt trong các TCXH song cũng chưa được tôn vinh.
Thứ hai, khó khăn ở khung pháp lý.
Thứ ba, là khó khăn trong tiếp cận nguồn lực. Tại sao chúng ta trải thảm đỏ thu hút các doanh nghiệp FDI trong khi đó việc hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa lại hạn chế.
Cuối cùng là khó khăn về năng lực. Đó là năng lực của chính các TCXH còn hạn chế. Không thể thu hút các nhà khoa học, người tài, bởi họ nhận thấy TCXH vẫn chưa được chính danh. Năng lực của Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng về các TCXH cũng còn hạn chế, mà nguyên nhân trực tiếp là do hạn chế về nhận thức đối với các TCXH. Thứ nữa là năng lực của các nhóm yếu thế cũng rất yếu. Do đó, những vấn đề này cần được nhìn nhận để có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong thời gian tới.
Một số nguyên nhân cơ bản:
Thứ nhất, về mặt nhận thức, thực tế nhiều cán bộ Nhà nước không hiểu rõ vai trò của TCXH và các tổ chức phi chính phủ nên không có cơ chế khuyến khích các tổ chức này hoạt động.
Thứ hai, thiếu một bộ các quy trình có thể áp dụng cho tất cả các TCXH, tổ chức phi chính phủ. Các TCXH cần được thống nhất về tên gọi và có cơ sở pháp lý để hoạt động tốt hơn.
Để giải quyết tổng thể các khó khăn này, về mặt chính sách, pháp luật cần có quy định cụ thể để khẳng định địa vị pháp lý, tạo điều kiện để các TCXH hoạt động theo đúng pháp luật. Các quy định phải rõ ràng hơn, đơn giản hơn. Quan trọng hơn, phải thống nhất được khái niệm các TCXH là gì rất cần thiết để tạo nên sự tương tác tích cực hơn giữa chính quyền và các TCXH.
- Khuyến nghị
Thứ nhất, phải có thay đổi về cách nhìn. Toàn xã hội phải nhìn đúng, theo một hướng về các tổ chức này, nhìn đa chiều sẽ gây khó khăn.
Thứ hai, phải đảm bảo cho các TCXH được hoạt động chính danh. Các TCXH bị chi phối bởi rất nhiều quy định, chi phối bởi rất nhiều luật. Những quy định liên quan đến hội thì nhanh chóng ban hành Luật về Hội… Nhóm các TCXH cũng nên có quy định hoặc lồng ghép thế nào để các cơ quan tổ chức quản lý cho tốt. Tức là, môi trường pháp lý phải tạo được sự chính danh cho các tổ chức này.
Thứ ba, nên có tiếng nói chung giữa xã hội, giữa Nhà nước với các TCXH. Phải là tiếng nói đồng thuận để có thể hỗ trợ cho các tổ chức này.
Thứ tư, Nhà nước phải là “bà đỡ” cho các TCXH, nếu không phát triển bền vững thì không thể tồn tại.
Thứ năm, các TCXH phải có cơ hội tiếp nhận các nguồn lực xã hội, quốc tế, đặc biệt nguồn lực từ phía Nhà nước, rõ ràng các tổ chức này có quyền được tiếp cận ngân sách Nhà nước. Cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước hiện nay không có cho các TCXH.
Thứ sáu, bản thân các tổ chức phải tự nâng cao năng lực nếu không xã hội không thừa nhận, đối tác không thừa nhận thì không thể phát triển.

